Đức Phật không chọn thức ăn chay hay mặn
Khi đi khất thực, Đức Phật không lựa chọn thức ăn chay hay mặn. Tín thí có thức ăn gì cúng dàng cho Phật thì Phật ăn, không phân biệt. Cho nên nói Phật ăn mặn hay Phật ăn chay đều không đúng với nghĩa khất thực tuỳ thuận ấy.

Ngày 26/05/2025
Lời Phật dạy

Sau này đạo Phật phát triển, một số truyền thống Phật giáo tại một số quốc gia đề cao chuyện ăn chay, và kể từ đó cũng phát sinh những quan điểm khác nhau về việc ăn chay hay ăn mặn. Những quan điểm đặt nặng vào chuyện ăn uống này đôi khi bị lạm dụng, làm chệch hướng mục đích của đạo Phật là giảm trừ phiền não, sống an lạc và giải thoát.


Ảnh minh họa.

Cũng xin nói thêm, thời Đức Phật, vì sao Tăng chúng chỉ đi khất thực vào buổi sáng sau đó đến bữa ngọ thì dùng?

Điều này cần phải nhìn vào bối cảnh xã hội, thời tiết môi trường trong xã hội cổ đại Ấn độ.

Khi cả đoàn người đi khất thực dù chia nhau đi các ngả thì không phải nơi nào, xứ nào, quốc độ nào dân chúng cũng giàu no, sung túc hay có tín tâm cúng dường.

Hơn nữa, với các hình thức thời tiết chuyển đổi khắc nghiệt, dân chúng cũng phải tìm cách tránh nóng tránh rét, thì buổi sáng sẽ thích hợp hơn cho việc đi hoá duyên. Vì thế buổi trưa, chiều chư tăng trú ngụ trong rừng cây, hang đá, hay ở các trú xứ dành thời gian thiền định tránh những tác động khắc nghiệt kia của thời tiết.

Dành nhiều thời gian cho thiền định rất quan trọng, bởi đó chính là thời gian tĩnh lặng, làm giảm các tác động tiêu hao năng lượng, đưa cơ thể vào trạng thái khinh an, phục hồi và giảm mệt mỏi. Vì thế thiền không chỉ có công năng mở thông trí tuệ mà còn được xem là một hình thức “thọ thực”, tức lấy thiền làm thức ăn (thiền duyệt vi thực).

Mặt khác xin ăn một bữa thì vừa sức thí của tín thí. Và việc ăn một bữa dần cũng sẽ trở nên quen dạ, không bị thúc bách bởi cơn đói. Có nghĩa ăn làm sao vừa đủ sức duy trì năng lượng để nuôi thân, chứ không đặt nặng vào mục đích ăn.

Cũng có những tình huống Phật và tăng chúng đến những nơi hoặc dân chúng quá đói nghèo, hoặc không chào đón tăng đoàn do khác biệt truyền thống đức tin, nên có những ngày chư tăng trở về nơi nghỉ với bình bát trống không.

Có những khi đoàn buôn ngựa thấy tình cảnh của tăng đoàn như vậy bèn cúng cho lúa ngựa và chư tăng phải tự tổ chức xay giã, nấu nướng mà ăn.

Tuy vậy cũng có những quốc độ, những nơi, những pháp hội lớn do các vị vua, các vị hoàng thân, trưởng giả, phú thương cúng dàng thì tứ sự đầy đủ từ tịnh xá, tăng phòng, cho đến thuốc men, y phục, toạ cụ, bồn chậu, bình bát…

Tuy nhiên, không phải khi được cúng dàng đầy đủ thì tham đắm không muốn rời đi nơi khác để hoá duyên hoằng đạo. Cũng không phải quyết liệt từ chối những sự cúng dàng đầy đủ kia để khổ hạnh hành xác.

Trong kinh Tạp A hàm, Đức Phật dạy: “Người nên tự cột niệm. Khi ăn biết tiết độ. Thì các thụ sẽ giảm. Yên ổn mà sống lâu”.

Như vậy dù ăn chay hay ăn mặn cũng nên ăn trong chánh niệm và việc tiết độ ăn uống (thức ăn vừa đủ), thì sẽ giảm được việc tham thụ dụng, từ đó sống an vui.

iTheo Cổng thông tin Phật giáo

Chia sẻ
Tin tức liên quan
Xem tất cả